HỒ SƠ DỰ THI
Hoàng Tú Anh
Mã thí sinh:JW51083
Thân kính gửi các bác sĩ bệnh viện thẩm mỹ JW và các cô chú/anh chị thực hiện chương trình "Nhan sắc mới - Khởi đầu mới". Ai sinh ra cũng muốn mình lành lặn, khoẻ mạnh và có được nụ cười như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Em cũng không ngoại lệ trong số đó, nhưng trớ trêu, cứ 600 trẻ sinh ra thì có một bé bị tật bẩm sinh sứt môi hở hàm ếch và em nằm trong số đó các bác sĩ ạ. Khi mang bầu em, mẹ bị cúm nhiều, đã nhiều người khuyên mẹ bỏ đứa bé. Nhưng mẹ em không chịu và em được đến với thế giới này. Một thế giới thật đẹp, thật hạnh phúc với mọi đứa trẻ nhưng với em lại là một kí ức buồn mà em muốn quên. Hồi còn bé, suy nghĩ của em về vết sẹo trên môi thật đơn giản, thật bi bô...chỉ là một vết sẹo nhỏ, có sao đâu chứ. Rồi cứ thế em lớn dần theo năm tháng với nụ cười thiếu sót dù đã trải qua 4 lần phẫu thuật chỉnh hình. Cấp 1, có lẽ là quãng thời gian đẹp nhất trong quãng đời học sinh của em, em được vui đùa cùng mọi người, được hoà đồng vào một tập thể. Nhưng rồi lên cấp 2...lớp mới, bạn mới, thầy cô mới. Em dần cảm nhận được khoảng cách giữa em và những học sinh cùng lớp. Mọi người bắt đầu châm trọc em, chế nhạo em. Em bị vậy nên tiếng nói hơi ngọng khó nghe, chúng nó nhại lại tiếng em, rồi cả đám cười huờ theo. Khi đó em thực sự thấy xấu hổ, tủi nhục, một thằng nhóc lớp 7 bị trêu chọc, nhạo báng khóc giữa lớp như một đứa con nít. Cứ thế, cái khoảng cách vô hình giữa em và các học sinh khác lớn dần mà chính em cũng không có cách nào để có thể xoá bỏ. Ban đầu, em suy nghĩ ngây dại, nghĩ mình chỉ cần học thật giỏi, chỉ cần học thật tốt thì mọi người sẽ chấp nhận em, sẽ cho em hoà đồng vào một tập thể. Nhưng hoàn toàn ngược lại, em cắm đầu vào học, miệt mài ngày đêm. Kết quả em nhận được vẫn không thay đổi gì dù em có học tốt đến đâu chăng nữa. Giờ ra chơi, mọi người nô đùa thoả thích, còn em ngồi một mình góc lớp xem mọi người cười đùa. Em muốn, em thèm, em khao khát được chơi cùng chúng nó, nhưng chúng nó vẫn không màng, không đếm xỉa đến em. Rồi em bị trầm cảm, cứ thế một mình lủi thủi, em ít nói, ít giao tiếp hơn. Em xin cô chuyển xuống bàn cuối ngồi, em muốn tách biệt mọi thứ, muốn cho riêng em một khoảng yên bình, muốn hết chương trình học thật nhanh để nghỉ hè. Nhưng những biệt danh chúng nó đặt cho em, những trò đùa ác ý em vẫn phải đối mặt hàng ngày... Có một lần, em định buông xuôi tất cả vào hồi lớp 9, cũng may khi đó có người cứu giúp kịp thời. Giờ nghĩ lại em vẫn thấy khi đó mình thật hồ đồ, thật dại dột. Cấp 3 của em, cũng chẳng khác là bao so với cấp 2 cả, đều là quãng thời gian chất chứa kỉ niệm buồn. Bạn mới, lớp mới, trường mới...em tự mình tránh xa tất cả, vì em biết chúng nó cũng chẳng khác gì đám bạn cấp 2 của em hết, em nhận thấy điều đó từ buổi đầu nhận lớp. Chúng nó nhìn em rồi bàn tán mọi chuyện, thì thầm to nhỏ với nhau, chúng nó khinh thường em một cách quá đáng, dù em chẳng có lỗi gì, em chẳng làm gì tụi nó cả. Em biết phận mình, không giao du, không nói chuyện, không tiếp xúc, vậy mà chúng nó cũng chẳng để em yên. Lúc đầu chỉ là trò đùa bình thường, rồi về sau... Em hận, em tức, em ức chế kinh khủng. Rất nhiều lần em định đánh nhau vì trò đùa của tụi nó. Nhưng khốn nỗi, người bày trò đầu têu lại là lớp trưởng mới trớ trêu các bác sĩ ạ. Kỉ niệm đáng nhớ nhất của em hồi cấp 3 là một kỉ niệm buồn. Nhiều năm rồi, nhưng em vẫn nhớ như in ngày ấy. Hôm đó là 26/3 kỉ niệm ngày thành lập đoàn TNCS HCM. Có một đoàn người từ trung tâm khuyết tật tỉnh đến giao lưu và xin ủng hộ. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như cô Hương( em vẫn nhớ tên cô giáo đó ) đọc cảm văn về những người khuyết tật mà không nói câu: "Xung quanh ta vẫn còn một số những người kém may mắn. Trong trường chúng ta có một số bạn nhưng cô không nêu tên". Cảm giác đó, cái cảm giác gần như toàn bộ học sinh cả khối 12 ngoái về phía 12a3 để tìm em, để xác nhận lại em là một người trong số đó, là một người trong số những người bị khuyết tật. Có lẽ, em sẽ nhớ cái khoảnh khắc đấy suốt đời. Giờ ngồi đây, viết những dòng này...em vẫn khóc khi nhớ về hôm đó. Cái hôm mà về em uất ức, em khóc nức nở như một đứa trẻ, em chạy đi tìm mẹ thật nhanh để hỏi tại sao lại sinh em ra, rồi để cho em chịu những nỗi đau này. Em cũng có trái tim, cũng biết đau, biết tổn thương chứ. Lỗi đâu phải do em, em có làm sao điều gì. Để em phải gánh chịu hậu quả. Nhưng khi tìm được mẹ rồi, em lại không nói được lời nào. Bao nhiêu năm qua, những tâm sự, những buồn tủi, những tổn thương em chưa một lần nói với mẹ, em không đủ can đảm. Hay em không muốn mẹ lo lắng cho em thêm một chút nào nữa. Bốn lần phẫu thuật, là bốn lần mẹ mất ăn mất ngủ vì lo cho em rồi. Hồi bé nhà không có điều kiện, đến nỗi mẹ phải bán cả lúa non để lấy tiền mua sữa ngoài cho em, vì em như thế đâu bú mẹ được. Em còn đòi hỏi mẹ được đến đâu nữa. Mẹ làm tất cả là vì em rồi mà, mẹ ban cho em cuộc sống, mẹ vất vả nuôi em nên người. Chút tổn thương đấy, mẹ đâu cần biết để phiền muộn hơn đâu, em có thể chịu đựng được mà. Nếu bố em giống như những người đàn ông khác, làm trụ cột gia đình, có thể gánh vác việc lớn trong nhà, thì mẹ em đã không phải khổ như vậy, một tay mẹ nuôi 2 chị em em ăn học, khôn lớn. Bố em trí nhớ thấp, nên bảo gì làm đấy, không quyết định được việc lớn. Những việc đó, mẹ em thay bố cáng đáng toàn bộ. Đã thế, bố còn hay uống rượu nữa, ông không uống được nhiều, nhưng ai rủ cũng uống, ai mời cũng không bao giờ từ chối cả. Bố em ít nói, nhưng cục tính, hay cáu vẳn, mỗi khi say rượu, ông không đánh đập vợ con hay chửi mắng như nhiều ông chồng say rượu khác, nhưng ông lại có thói xấu là hay đá thúng đụng nia, mặt nặng mày nhẹ với vợ con trong nhà. Có lần, ông say hơn chục ngày liên tiếp, mọi công việc trong nhà mình mẹ em phải đảm đương hết. Em phận là con, cũng chỉ ngọt nhạt khuyên giải ông bỏ dần rượu vì nó rất có hại cho sức khoẻ, ông chỉ ậm ừ cho qua rồi vài hôm đâu lại vào đấy, vẫn không bỏ được. Năm đó em không thi đại học, mẹ có mắng, có đánh bao nhiêu trận đòn đi nữa, em vẫn không chịu nói lí do của mình. Quyết định không thi đại học của em, nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Ngay cả bản thân em cũng vậy, nhưng đó chỉ là cảm giác nhất thời, em không nuối tiếc nhiều, vì em thật sự mệt mỏi, thật sự chán nản với việc đến trường. Mẹ chiều em, không bắt học đại học nữa nhưng phải đi học nghề để sau này kiếm việc làm cho dễ. Thật may mắn, thật hạnh phúc khi những người bạn mới của em, họ như những thiên thần vậy. Trường nghề thì gần như toàn bộ là con trai và chuyện chênh nhau vài tuổi là bình thường, nhưng đa số là những người từng trải ngoài xã hội, họ làm quen, bắt chuyện với em, giới thiệu về bản thân họ. Em cũng không ngờ, họ thấu hiểu, đồng cảm cho em. Em nghĩ, phải chăng họ đã lớn, đã qua cái tuổi học trò ăn chưa no, lo chưa tới. Họ đã biết thương cảm với mọi người. Em vừa học, vừa làm thêm, tập cho mình lối sống tự lập, lấy lại chính con người của em, con người có một chiếc vỏ lạnh lùng nhưng bên trong lại là một ngọn lửa luôn muốn bùng cháy mãnh liệt. Năm nay em cũng đã 24 tuổi, cũng đi được nhiều nơi, cảm nhận được cuộc sống thật muôn màu. Và quan trọng hết, em được là chính em, được sống đúng với chính bản thân mình. Dù đôi khi đi xe bus hay chỗ đông người, em vẫn bắt gặp ánh mắt một người nào đó nhìn em. Em nghĩ có thể chị là do họ tò mò hay hiếu kì, chứ họ cũng không có ý gì xấu cả, nên cứ mỉm cười thôi. Rồi em tìm hiểu, và được biết có rất nhiều chương trình phẫu thuật thẩm mỹ tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Em từng viết một vài tâm thư, nhưng không nhận được hồi âm. Có thể chuyện của em không đủ sức thuyết phục các bác sĩ, cũng có thể còn nhiều trường hợp đáng thương hơn em, khó khăn hơn em rất nhiều. Nhưng em vẫn muốn một lần nữa có được cảm giác ấy, cảm giác hồi hộp chờ đợi hồi âm từ phía chương trình. Vậy em viết tâm thư này, kính mong các bác sĩ, các cô chú, anh chị thực hiện chương trình có thể tạo điều kiện cho em, giúp em có một nụ cười mãn nguyện. Giúp em hoà nhập với cuộc sống nhộn nhịp, giúp em thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình. Em xin trân quý các bác sĩ và những người thực hiện chương trình thật nhiều.
BÌNH CHỌN & CHIA SẺ cho THÍ SINH để họ giành được cơ hội phẫu thuật miễn phí
0 lượt bình chọn
TOP BÌNH CHỌN