Tiến sĩ, bác sĩ Tú Dung từng giúp hàng nghìn người phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí, thoát khỏi diện mạo dị dạng, khởi đầu cuộc sống mới.
✅ Theo kế hoạch đã lên từ trước, 16h30 ngày 9/8, Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung – Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc – phẫu thuật cho cô gái nghèo tỉnh Đồng Tháp. Cô bẩm sinh mắc khiếm khuyết hàm hô, mặt lệch do cấu trúc xương, liệt một bên thần kinh mặt và bị quặm mi bẩm sinh. Nhiều năm cô gái nhỏ sống trong mặc cảm, tự ti vì bị trêu chọc, kỳ thị.
✅ Sau 5 tiếng, 19h30, ngay khi đèn phòng mổ tắt, bác sĩ Tú Dung bước ra với khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, dù thấm mệt, ông vẫn cười rạng rỡ, bắt tay với người thân của cô gái nghèo và thông báo: “Ca mổ rất thành công”. Đây là cuộc phẫu thuật thứ 5 trong ngày của bác sĩ.
✅ 20h, sau trò chuyện với gia đình người bệnh, ông trở về phòng làm việc mở máy tính lưu lại ca mổ vừa hoàn tất. Tiếng chuông điện thoại cắt ngang dòng suy nghĩ của bác sĩ. Màn hình hiện “Con trai Vũ Đình Thục” đang gọi. Ông vội bấm nghe, nét mặt ánh lên niềm vui sướng, xóa tan mọi mệt mỏi trong ngày. Cuộc thăm hỏi giữa hai bố con kéo dài gần nửa tiếng. Trước khi ngắt máy, bác sĩ dặn con: “Giữ gìn sức khỏe nhé con, có gì gọi cho bố”.
✅ Vũ Đình Thục (Nam Định) là một trong những trường hợp gây xôn xao mạng xã hội vào năm 2016. Anh mồ côi cha từ nhỏ, từng đoạt giải nhì học sinh giỏi Hóa quốc gia, được tuyển thẳng và tốt nghiệp Sư phạm loại ưu nhưng bị từ chối tuyển dụng vì lý do “phát âm không tốt”, hàm móm và lệch nặng. Khuôn mặt bất thường với hai hàm lệch nhau hơn 2,2 cm khiến Thục không thể khép kín miệng, ăn nhai khó khăn. Tuổi thơ anh đối diện với vô số biệt danh xấu xí và những lời trêu chọc đầy thương tổn của bạn bè. Chỉ khi gặp bác sĩ Tú Dung, Thục thấy mình như tìm được “ánh sáng cuối đường hầm”. Sau ca phẫu thuật hàm mặt miễn phí, anh có ngoại hình mới, gặp nhiều may mắn bất ngờ.
Bác sĩ Tú Dung kể, sau ca phẫu thuật, Vũ Đình Thục gọi ông là “bố”, ông cũng hạnh phúc vì có thêm cậu con trai nuôi nghị lực và tài giỏi. Dù sống người Nam, kẻ Bắc, hai cha con vẫn gọi điện thăm hỏi nhau thường xuyên. Cuộc sống của Thục sang trang mới khi được hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) – trường cấp ba anh từng học – mời về giảng dạy. Gia đình bạn gái không còn phản đối, họ nhanh chóng kết hôn và sinh con, đến nay bé gần hai tuổi. “Nếu không có bố Dung, tôi sẽ không có ngày hôm nay. Cuộc đời tôi mang ơn bố”, Thục chia sẻ qua điện thoại.
✅ Bác sĩ Tú Dung tâm sự, một năm 365 ngày của ông gắn với phòng mổ và trăn trở với nỗi đau của những người khiếm khuyết ngoại hình. Ngày ít thì 3-4 ca phẫu thuật, khi cao điểm lên đến 10 ca, gồm cả nâng mũi, phẫu thuật hàm mặt, cắt mí hay nâng ngực… Trong gần 20 năm theo nghề, ông từng thực hiện tới 15.000 ca mổ, trong đó có đến 2.000 ca miễn phí. “Với bất kỳ ca mổ nào, tôi cũng đặt toàn bộ tâm huyết, sự cẩn trọng”, ông nói.
✅ Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, chàng trai Tú Dung từ nhỏ đã được thầy thương bạn mến vì học giỏi, nỗ lực. Từ cấp ba, chàng trai ấy đã mong muốn dành trọn cuộc đời cho y học nên chọn nghề Bác sĩ. Suốt gần 20 năm qua, ông gặp vô số trường hợp khó khăn, ôm nỗi đau xé lòng vì ngoại hình kém ưa nhìn. Ông nhiều lần bỏ tiền túi ủng hộ họ thẩm mỹ hoặc miễn phí tiền phẫu thuật.
Bác sĩ Tú Dung cho biết, hàm mặt là yếu tố chính quyết định nhan sắc của một người, tuy nhiên tại Việt Nam, khiếm khuyết hàm mặt chiếm tỷ lệ rất cao, có khi đến 40%. Chỉ cần khắc phục hàm mặt, tổng thể diện mạo sẽ thay đổi, nhưng không phải ai cũng có tiền phẫu thuật.
✅ Ông luôn tự hỏi sao mình không làm một chương trình thẩm mỹ miễn phí giúp đỡ mọi người. Sau nhiều năm nung nấu ý tưởng, ông quyết định triển khai mạnh mẽ Nhan sắc mới, khởi đầu mới (tiền thân là Chia nụ cười, sẻ cảm thông). Đây là chương trình thẩm mỹ nhân văn nhằm giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhưng bị khiếm khuyết được phẫu thuật miễn phí. Hàng nghìn người bước ra từ chương trình này đã đổi đời nhờ có diện mạo mới.
“Trong vài tiếng phẫu thuật, nếu tôi nỗ lực hết mình thì diện mạo và tương lai của một người có thể thay đổi. Chỉ nghĩ đến điều ấy, tôi lại thấy hạnh phúc. Ai cũng xứng đáng có cuộc sống tốt đẹp hơn, Nhan sắc mới, khởi đầu mới là nơi để họ gửi gắm hy vọng, thoát những ngày tăm tối. Động lực lớn nhất của tôi khi thực hiện chương trình là nụ cười và sự tự tin của mọi người sau phẫu thuật”, bác sĩ Tú Dung bày tỏ.
✅ Suốt hành trình dài đã đi qua, bác sĩ không quên những ca mổ phức tạp kéo dài 5-8 tiếng như Vũ Đình Thục, Ca Trần Khánh Du, Nguyễn Duy Phương, Lê Thị Mỹ Thuận, diễn viên múa Lan Nhi hay cô gái mặt lệch Hồng Anh… Tất cả đều có tuổi thơ khó khăn, bị miệt thị vì ngoại hình dị dạng. Bác sĩ luôn trăn trở: “Đến bao giờ người ta mới thôi chế giễu, bỡn cợt những người kém ưa nhìn? Tại sao một số người lại thiếu cảm thông và sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn gặp khiếm khuyết ngoại hình?”. Theo ông, lời nói đùa vui của mọi người vô tình có thể khiến người khác tổn thương, vết sẹo cũ chẳng bao giờ liền lại mỗi khi hoài niệm tuổi thơ.
✅ Bác sĩ thắt lòng mỗi khi nhớ lại cuộc gặp gỡ với bà nội của Ca Trần Khánh Du (22 tuổi, Bến Tre). Bà là Ca Thị Hiền (từng vào sinh ra tử ở chiến trường cùng nữ anh hùng Nguyễn Thị Định) hiện chống chọi nỗi đau ung thư nhưng vẫn vượt đường xa lên Sài Gòn gặp ông. Người bà với chiếc áo sờn bạc, lưng còng, tóc trắng nắm chặt tay ông cầu xin “cứu vớt” cháu mình. Theo lời bà, Khánh Du lầm lũi vì mặc cảm hàm móm nặng, hai hàm không thể khép kín nên ăn nhai khó khăn. Tuổi thơ của cậu chìm trong những trò đùa ác ý của bạn bè. Thậm chí khi đi cắt tóc, người ta miệt thị cậu “xấu xúc phạm người nhìn” va yêu cầu cậu ra đường đeo khẩu trang để người khác không sợ hãi. Khánh Du không dám ước mơ cao xa, chỉ hy vọng ngày nào đó có vẻ ngoài bình thường như bao người. Vì thương cháu, bà ngoại anh chạy vạy khắp nơi, xin các bác sĩ giúp cháu mình.
Cảm động trước tấm lòng người bà, bác sĩ Tú Dung quyết định trao cơ hội phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí cho Khánh Du. Ông chia sẻ: “Hàm dưới và hàm trên của Khánh Du cách nhau 2,2 cm nên cần phải cắt hàm dưới 1,5 cm kéo vào, kết hợp xoay trục bị lệch và cắt hàm trên 7-8 li đưa về phía trước. Phần cằm dài phải cắt bỏ một đoạn và điều chỉnh sụn vách ngăn tạo khuôn mặt cân đối. Đây là 4 kỹ thuật khó nhất trong phẫu thuật hàm mặt”. Sau thẩm mỹ, chàng trai Bến Tre khiến mọi người không nhận ra, anh tự tin hơn và không còn che giấu nụ cười như lúc trước.
✅ Nguyễn Duy Phương cũng là một trong những trường hợp khó được bác sĩ Tú Dung phẫu thuật. Anh nhận sự quan tâm của dư luận qua loạt bài viết Chàng xe ôm 27 năm tủi phận vì bị miệt thị ‘mặt lưỡi cày’ hay Thạc sĩ 9x bị từ chối tuyển dụng vì ‘mặt dị dạng’.
✅ Bác sĩ Tú Dung tâm sự, một ngày cuối năm 2017, ông bất ngờ nhận tâm thư dài 8 trang giấy từ Nguyễn Duy Phương – chàng trai gốc Ninh Thuận đang học Thạc sĩ Thư viện Thông tin tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (TP HCM). Trong thư, Phương kể về những tháng ngày sống trong bóng tối, mặc cảm vì luôn bị gọi là “mặt lưỡi cày”, “kẻ dị dạng”, “mặt quỷ”… Anh không có một người bạn thân, khép mình trong bốn bức tường phòng trọ. Vì khó xin việc đúng ngành nghề sau tốt nghiệp đại học, chàng trai 9x tiếp tục thi cao học với mong muốn bằng cấp cao có thể tìm được công việc tốt, nhưng anh không thể nào chạm đến mục tiêu.
Mơ ước thoát mặt ‘dị dạng’ của thạc sĩ chạy xe ôm
✅ Để có đồng ra vào, trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng ước mơ, bên cạnh làm thủ thư nhỏ cho thư viện, anh chọn cách chạy xe ôm vì nghĩ “nghề này không cần ngoại hình”. Tuy nhiên, những chuỗi ngày tủi thân của Phương càng kéo dài khi bị nhiều thanh niên bài xích vì xấu xí, khách không muốn lên xe của “kẻ có ngoại hình dữ tợn”, không đáng tin. Phương nói không thấy tương lai vì ngoại hình khiếm khuyết và chỉ mong được như người bình thường, không cần đẹp hay “lột xác” như nhiều trường hợp từng đọc trên báo.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Tú Dung, tình trạng răng miệng của Duy Phương rất phức tạp. Hàm dưới phát triển quá mức, hàm trên thiểu sản, hai hàm cách xa nhau đến 3,2 cm. Cằm dài, lệch trục và khớp cắn ngược nên cậu không thể ăn nhai, phát âm rõ ràng và khép miệng. Từng thực hiện gần 2.000 ca phẫu thuật hàm mặt, ông chưa từng gặp ca nào khó như Duy Phương.
✅ Sau hội chẩn, các chuyên gia Hàn Quốc cũng lo lắng cho tình trạng của chàng trai gốc Ninh Thuận vì mức độ lệch nhau của hai hàm, rất khó phẫu thuật khép kín, nếu khép được thì sợ gây tổn thương gập góc dây thần kinh. Dù khó khăn, họ vẫn mong có thể giúp Phương thoát khỏi gương mặt dị dạng, ăn nhai và phát âm rõ ràng như người bình thường. “May mắn ca phẫu thuật thành công, tôi cũng bất ngờ khi chứng kiến màn ‘lột xác’ của Duy Phương. Sau ca mổ, cậu ấy tìm được việc tốt, không còn phải bôn ba như trước”, bác sĩ Tú Dung kể.
✅ Lê Thị Mỹ Thuận (Bình Thuận) là trường hợp mới nhất vừa “lột xác” ngoại hình nhờ chương trình Nhan sắc mới, khởi đầu mới. Bác sĩ tâm sự ông và hội đồng chuyên môn xúc động trước hoàn cảnh éo le của cô. Lớn lên trong gia đình đông anh chị em, Mỹ Thuận luôn cố gắng sống có ích để cha mẹ khỏi muộn phiền. Để đỡ đần cha mẹ nuôi các em ăn học, cô sớm ra đời va vấp. Nhưng vì hàm hô nặng, cô gái trẻ gặp không ít khó khăn. Không chỉ bị bạn bè, những người xung quanh kỳ thị, đặt cho những biệt danh xấu xí, cô còn bị nhiều nhà tuyển dụng từ chối, dù đó chỉ là bưng bê, phục vụ.
✅ Để tìm kiếm hy vọng ở chân trời mới, Mỹ Thuận vào Sài Gòn. Cô xin việc khắp các khu chế xuất, rồi may mắn trở thành công nhân. Khi đến công xưởng, cô gái trẻ luôn chân tay làm việc, vì tự ti, cô không dám giao tiếp, ngẩng mặt nhìn ai. Thương con gái phương xa sống vất vả, buồn tủi, ba Mỹ Thuận cố gắng làm việc cật lực để kiếm tiền hỗ trợ con phẫu thuật hàm hô. Trong một lần đi lặn biển thuê, ba cô kiệt sức rồi ra đi mãi mãi. Nỗi đau mất cha khiến Mỹ Thuận dằn vặt, thu mình vào vỏ ốc.
✅ “Giá tôi bỏ ngoài tai những lời chế giễu, kỳ thị của mọi người và không nuôi ước mơ phẫu thuật thẩm mỹ, có lẽ ba tôi sẽ đỡ vất vả hơn, không phải cố hết sức làm việc kiếm tiền giúp con gái hoàn thành tâm nguyện, để rồi bỏ mạng vì kiệt sức. Tôi ước thời gian có thể quay lại, ước mình đủ mạnh mẽ để không bị tác động bởi những lời dèm pha của người khác”, Mỹ Thuận khóc nức nở khi kể người cha quá cố. Câu chuyện của Mỹ Thuận lay động rất nhiều người, do đó cô được đặc cách phẫu thuật miễn phí.
Tiến sĩ, bác sĩ Tú Dung trực tiếp thăm khám cho Mỹ Thuận. Ông nói trường hợp này cần thực hiện cắt xương hàm trên đẩy lùi về sau kết hợp trượt cằm về trước, thống nhất khớp cắn hai hàm để đảm bảo cho chức năng ăn nhai và giọng nói được cải thiện. Sau hai giờ phẫu thuật, Mỹ Thuận thay đổi toàn diện cấu trúc gương mặt. Từ cô gái có hàm răng hô xấu xí, gương mặt cô sắc nét và xinh đẹp hơn hẳn. Thuận bật khóc khi nhìn mình trong gương, nuối tiếc vì cha không thể nhìn thấy diện mạo mới của con gái.
✅ Hồng Anh – cô gái ngoài đôi mươi ở Vũng Tàu – cũng để lại trong bác sĩ nhiều ấn tượng sâu sắc. Tuổi thơ cô đẫm nước mắt, sống khép kín ngay cả với người thân. Tiến sĩ Tú Dung cho biết gặp Hồng Anh khi cô đang điều trị chứng trầm cảm. Qua thăm khám, ông nhận định hàm dưới của cô dài hơn hàm trên và lệch sang một bên, răng lại mọc lộn xộn nên cần niềng răng trước một năm. Sau niềng răng, Hồng Anh phẫu thuật BSSO hàm dưới và Lefort hàm trên. Thời gian phẫu thuật kéo dài 4-5 tiếng. Ca phẫu thuật thành công giúp cuộc đời cô sang trang mới. Người thân bất ngờ với nhan sắc trẻ trung của Hồng Anh. Cô gái trẻ cũng tự tin cười với cả người không quen – điều trước đây cô chưa từng dám nghĩ.
✅ Còn rất nhiều chàng trai, cô gái có cuộc sống mới, thành công trong công việc và tự tin giao tiếp nhờ thẩm mỹ như người đẹp chuyển giới Trần Thoại Vy, Minh Yến – cô gái từng trải qua 7 lần đại phẫu, ca sĩ Thùy Dương, cô công nhân Tố Uyên, cô giáo Thanh Tâm (Bình Thuận)… Dù bận rộn, bác sĩ Tú Dung vẫn liên lạc, thăm hỏi tình trạng sức khỏe của những người mình từng phẫu thuật.
“Tôi đến với nghề như một cái duyên. Điểm xuất phát của tôi là là bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa tổng quát. Tuy nhiên, nhờ đam mê tạo hình và có cơ hội được sang Hàn Quốc học phẫu thuật tạo hình, tôi yêu và đam mê lúc nào không hay. Trong quá trình tu nghiệp tại Hàn Quốc, tôi không ngừng tìm tòi, học hỏi các chuyên gia nước ngoài về tạo hình, phẫu thuật mũi, mắt, hàm…”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung bộc bạch.
✅ Với gần 15.000 ca sửa mũi, phẫu thuật hàm mặt, nâng ngực hay cắt mí… ông cho biết phần lớn thời gian đều ở bệnh viện. Dù mỗi ngày phải tiếp xúc với hàng chục, hàng trăm người, ông vẫn nhớ rõ tình trạng từng trường hợp. Bận rộn với những ca mổ, ông vẫn miệt mài nghiên cứu y học và tham gia nhiều hội nghị lớn trong và ngoài nước.
✅ Đồng nghiệp, vợ con và nhân viên đều khâm phục đam mê, cống hiến không mệt mỏi của ông. Trong khi nhiều bác sĩ về đến nhà chỉ muốn ngủ nghỉ vì mệt mỏi, bác sĩ Tú Dung lại chong đèn đọc sách. Giá sách của ông có hàng nghìn cuốn, chủ yếu là y khoa bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Theo ông kiến thức nhân loại bao la, học cả đời cũng không hết.
✅ Tiến sĩ Tú Dung là một trong số ít bác sĩ từng báo cáo khoa học tại nhiều hội nghị quốc tế. Năm 2013, tại hội thảo ở Thái Lan, nhiều bác sĩ, chuyên gia quốc tế không tin khi ông chia sẻ từng gọt mặt cho hơn 300 trường hợp. “Ai cũng nghĩ tôi nói khống, nhưng sau đó họ đều bất ngờ khi tôi chiếu hàng trăm bức ảnh trước – sau gọt mặt của bệnh nhân. Ở mỗi trường hợp, tôi đều liệt kê chi tiết tình trạng, đã cắt xương nào, dùng biện pháp gì. Lúc tôi báo cáo xong, mọi người đều vỗ tay”, ông kể.
✅ Năm 2014, bác sĩ Tú Dung là người Việt Nam đầu tiên báo cáo khoa học tại Hội nghị y khoa ở Miami (Florida, Mỹ). Mở đầu bài báo cáo, ông trình bày từng thực hiện thành công hơn 1.500 ca phẫu thuật hàm mặt. “Các chuyên gia quốc tế đều lắc đầu, nói không thể nào đến con số ấy. Tuy nhiên, tôi tiếp tục chiếu toàn bộ hình ảnh, chỉ ra từng ca đã áp dụng kỹ thuật gì, mô tả chi tiết phương pháp mổ BSSO cắt rời hàm dưới đẩy lùi về sau hay Lefort 1 trượt hàm trên về trước… Tất cả đều bất ngờ vì y học Việt Nam đã phát triển đến mức ấy”.
✅ Tại hội thảo y khoa ở Hàn Quốc năm 2016, ông được nhiều chuyên gia đầu ngành quốc tế đánh giá cao khi phẫu thuật thành công cho Vũ Đình Thục. Để khắc phục tình trạng hai hàm lệch nhau hơn 2,2 cm, bác sĩ chuẩn bị nhiều phương án dự trù khi bước vào cuộc mổ. Ông kỳ công tách rời hàm trên, kéo trượt về trước 6 mm. Xương hàm dưới được cắt bỏ đoạn dư, đẩy lùi về sau khoảng 15 mm để hai hàm khớp lại với nhau. “Việc cắt ngắn xương sẽ ép dây thần kinh, nếu làm quá mức bệnh nhân có nguy cơ nghẹt mũi nên kíp mổ phải lật ngược cắt vách ngăn mũi 3 mm để thông thoáng đường thở. Khi hàm ngắn lại, nếu lưỡi vẫn dài như cũ thì sẽ ảnh hưởng phát âm giao tiếp nên phải cẩn trọng cắt ngắn lưỡi để bảo đảm giọng nói tốt”, sau khi nghe bác sĩ Dung phân tích, cả hội trường đều đứng lên, nhiều người vỗ tay khen ngợi ông.
“Tôi chưa bao giờ tự hào về những gì bản thân đã làm được. Với 15.000 ca từng thực hiện, đến giờ phút này, tôi cho rằng thứ giá trị nhất mà mình nhận được là niềm tin của bệnh nhân”, Bác sĩ tâm sự.
✅ Tiến sĩ Tú Dung cũng là bác sĩ Việt Nam duy nhất tham gia biên soạn Operative Techniques in Facial Aesthetic Surgery – cuốn sách chuyên về tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ, cùng 85 giáo sư, bác sĩ đầu ngành các trường đại học nổi tiếng trên thế giới như: New York, Harvard, Stanford, Johns Hopkins, California… Sách được xuất bản tại Mỹ.
✅ Theo ông, cuốn Operative Techniques in Facial Aesthetic Surgery là nền tảng hữu ích cho người đam mê phẫu thuật tạo hình vùng mặt. Để được tham gia biên soạn trong cuốn sách này, ông phải có những công trình nghiên cứu dày dặn và thực hiện thành công hàng nghìn ca khó.
✅ Bác sĩ cũng mất gần 4 năm để hoàn thành công trình “Nghiên cứu điều trị lệch lạc xương hàm loại III bằng phẫu thuật hàm móm không cần niềng răng”. Trong đó liệt kê chi tiết những mức độ lệch lạc xương hàm, kỹ thuật phẫu thuật hàm móm…
✅ Theo bác sĩ Tú Dung, bản chất cái đẹp không theo bất cứ quy luật nào, do quan niệm của từng người và từng vùng mà cách nhìn về thẩm mỹ luôn khác nhau. Vì thế, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ giống như “làm dâu trăm họ”. Với những trường hợp khó, các chuyên gia phải lắng nghe và cùng bệnh nhân đưa ra kết luận trước khi quyết định làm thế nào cho đẹp, vừa ý bệnh nhân.
Theo: vnexpress.net